Đang bận code bục đít mà đầu óc lan man nên buộc phải ngồi viết cho thoải mái đầu óc.
Thời điểm hiện tại, xu hướng sống độc thân hoặc lấy vợ/chồng nhưng không sinh con cái dần trở nên phổ biến trong giới trẻ. Lý do phổ biến những bạn theo xu hướng mới đó là vấn đề kinh tế và trách nhiệm giáo dục.
1 số ví dụ tiêu biểu:
- Tiêu cực nhất là ở 1 mình đang thoải mái tại sao phải rước thêm phiền phức vào mình (vợ/chồng/con cái)
- Không có điều kiện để nuôi dưỡng con cái tử tế thì tốt nhất không nên đẻ (Lấy vợ/chồng nhưng không sinh con)
…vân vân và mây mây…
Ở chiều hướng ngược lại, sẽ có người hoàn toàn ủng hộ việc lấy vợ/chồng và sinh con ngay khi đến tuổi bất chấp hoàn cảnh, điều kiện bản thân. Lý do đa phần là:
- Đáp ứng như cầu của người khác (Gia đình, ba mẹ, quan điểm xã hội…)
- Gây dựng gia đình sớm sau này già cả đỡ cô đơn
- Sinh con cái khiến cuộc sống vợ chồng có thể tiếp tục duy trì hạnh phúc
- Sinh con sau này già cả có người chăm sóc
…và muôn vàn lý do khác…
Đứng ở góc độ một người đã có gia đình và con cái, tôi thấy đa phần các bạn đều nhận thức sai vấn đề hôn nhân và con cái trong hoàn cảnh cuộc sống HIỆN NAY. Tôi nói hiện nay là để tránh lan man, loại bỏ đi các quan điêm của TRƯỚC ĐÂY hay TƯƠNG LAI chưa xảy ra.
HIỆN NAY:
Đầu tiên, quan điểm lấy vợ/chồng hay không, có sinh con hay không thì bây giờ nó thuộc về quyền của cá nhân mỗi người. Thời đại bây giờ quyền cá nhân mỗi người đang được đề cao hơn tất thảy, do đó, chúng ta không nên và cũng không thể xâm phạm vào quan điểm này của mỗi người. Có chăng ta nên trao đổi
với nhau ở góc độ thảo luận để hiểu rõ chính mình hơn thôi.
Trong cuộc sống, mọi sự việc luôn luôn có hai mặt của vấn đề:
- Trong vấn đề hôn nhân, bạn hoàn toàn có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc hay bất hạnh. Mà cái việc hạnh phúc hay bất hạnh thực ra nó là quá trình, không phải kết quả.
Việc quá trình đó tốt hay xấu nó không hề có một công thức nào để đạt được cả.
Không có đầu vào: Không phải yêu nhau say đắm thì lấy nhau hạnh phúc, không phải tìm hiểu ngắn thì sau này dễ đổ vỡ…
Không phải do hoàn cảnh: Không phải gia cảnh 2 bên giàu có thì yêu nhau nhiều, nội ngoại vất vả thì lại ghét nhau…
Không phải do người khác: Không có ba mẹ, anh chị em hay người thứ ba nào bên ngoài quyết định được hạnh phúc của 1 gia đình…
Không phải do điều kiện: Có nghìn tỷ thì vẫn đưa nhau ra tòa tranh cãi nhau. Hàng ngày kiếm vài chục vài trăm nghìn vẫn yêu thương gia đình của mình…
Nhiều cái không nữa…
Tất cả những cái không đó, bạn lật ngược lại vẫn đúng. Ví dụ ngắn:
Do điều kiện: Nhà nghèo suốt ngày quần quật làm việc không có thời gian nghĩ gì nữa, chán nản mệt mỏi, không hạnh phúc…
Nhiều cái lý do khác…
Nếu bạn hỏi một gia đình mà bạn nhìn thấy là hạnh phúc, bí quyết hạnh phúc của anh chị là gì, họ sẽ nói cho bạn rất nhiều lý do, và rồi bạn hỏi anh chị có bao giờ cãi vã hay tranh luận với nhau điều gì không, hay anh chị có không hài lòng với nhau điều gì không. Họ cũng sẽ nói cho bạn nhiều vấn đề.
Nếu bạn hỏi một gia đình mà bạn thấy đang mâu thuẫn, xích mích lý do của sự việc hiện tại, họ tất nhiên cũng sẽ kể cho bạn toàn điều xấu về nhau, và nhiều lý do dẫn tới không hạnh phúc nữa.
Bởi vậy, hôn nhân là một ván cược. Giống như việc trưởng thành vậy. Với nhiều người, kể cả những người thế hệ xưa, trưởng thành là một cú sốc. Khi còn trong vòng tay ba mẹ hoặc còn trẻ con vô lo vô nghĩ thì luôn muốn trưởng thành, muốn ra đời để thể hiện mình, nhưng khi bước ra đời thì đều tỉnh mộng, đều 50/50 hết. Nhưng nếu trưởng thành là một quá trình bắt buộc đi theo tuổi tác, thì hôn nhân lại được chọn lựa có hoặc không. Như tôi đã phân tích ở trên, không có công thức nào cho hôn nhân hạnh phúc, do đó muốn biết kết quả, bạn buộc phải chọn.
Nếu bạn NGHĨ mình sẽ hạnh phúc, tất nhiên bạn sẽ chọn. Nếu bạn NGHĨ mình không hạnh phúc, bạn sẽ thôi. Hoặc có thể bạn SỢ mình không hạnh phúc, bạn cũng thôi, điều đó chả sao cả, sợ là bản năng.
Tuy nhiên đứng dưới góc độ người đã có vợ được 8 năm, tôi chia sẻ với bạn thế này: Tôi không nói về việc hạnh phúc hay không, nhưng tôi nói Hôn nhân giống như trưởng thành, bạn có thể có được trải nghiệm cuộc đời. Trải nghiệm thì thì không có đáng hay không, chỉ là có dám làm hay không dám làm thôi.
Bạn chỉ cần đặt bản thân lên một tầm cao mới, trên tất thảy mọi thứ, trên cả cái tôi của mình thì bạn sẽ đạt được mọi thứ. Hạnh phúc sẽ từ đó mà phát sinh.
Cẩn thận đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi không khuyên bạn trở thành người ích kỷ. Ý tôi ở đây là hầu hết mọi người khi nghĩ về hôn nhân thì thường sẽ là: “Anh ấy/Cô ấy có làm bạn hạnh phúc không?”. Điều này hoàn toàn sai lầm, bạn tự hạ thấp mình và đặt việc quyết định hạnh phúc cuộc đời vào tay người khác. Bạn cần phải nghĩ về bản thân và hiểu đúng về hôn nhân: “Hãy tự mình tạo ra hạnh phúc trong từng khoảnh khắc của cuộc sống hôn nhân”. Không phải là gồng mình giống như thầy tu đọc kinh đâu nhé, cuộc sống hôn nhân luôn có những biến cố bất ngờ, vấn đề là bản thân bạn có đủ bản lĩnh để vượt qua được biến cố hay không thôi. Chấm dứt hôn nhân đau khổ cũng là bản lĩnh.
- Về vấn đề con cái thì quan điểm của tôi cũng không khác gì hôn nhân, cũng chỉ là 1 trải nghiệm cuộc đời. Nó không phải là sự tiến hóa của hôn nhân, vì nhiều người chọn con cái mà bỏ đi vợ/chồng. Do vậy, bạn chỉ cần nghĩ tới bản thân thôi.
Đừng coi con cái như một khoản bảo hiểm về già. Nhìn xung quanh bạn đi, không có chuyện đó đâu. Bạn không yêu thương mình, không tự lo được cho mình thì đừng lo con cái lo cho. Thời nay nó vậy đó.
Bạn nghĩ bạn hy sinh mọi thứ của mình vì con cái? Không có đâu, là do bạn muốn thế thôi.
Bạn nghĩ làm điều này điều kia là tốt cho con cái và con cái sẽ biết ơn bạn vì điều đó? Không luôn.
Về cơ bản, nếu bạn yêu thương con cái thì con cái sẽ yêu thương bạn, giống như bạn đời ấy, có điều là cái loại tình cảm phụ tử, mẫu tử thôi, là 1 trải nghiệm tình cảm.
Cái cảm giác hạnh phúc của 1 gia đình nó chắc chắn đối lập với cảm giác cô đơn rất nhiều. Cảm giác khi yêu một người và bên một người dài lâu, cảm giác khi nhìn ngắm những đứa trẻ do chính mình tạo nên lớn lên từng ngày, yêu thương từng ngày đối với tôi là những cảm xúc vô giá, không có một lời nào diễn đạt được hết. Tôi nghĩ chắc nó cũng giống như người xuất gia vất bỏ mọi thứ và đạt được giác ngộ vậy. Không ai hiểu được đức Phật nếu không tự mình đi theo con đường của đức Phật.
Còn bạn, bạn có sợ không?