Bạn chỉ cảm thấy cô đơn khi giá trị bản thân (self-worth) bị hạ thấp. Ngược lại, khi bạn yêu thương bản thân, luôn xem bản thân là người có giá trị, thì dù cho bạn đang ở một mình, bạn vẫn không hề cảm thấy cô đơn.
Cô đơn đích thực không đơn thuần là chuyện ở một mình không có ai bên cạnh. Đối với những ai trải qua cô đơn, thì nó là một cảm giác của sự cô lập, trống rỗng, và xa lạ gây suy nhược, không thể xử lý nó bằng sự tương tác với con người. Cô đơn khác với sự đơn độc (solitude), có thể cảm thấy thú vị và thư giãn – cô đơn không là những thứ đó, và người cô đơn có thể tiếp tục cảm thấy lạc lõng trong một căn phòng đầy người, thậm chí khi ở bên những người bạn thân và gia đình. Nó không phải là một kẻ thù tấn công từ bên ngoài, mà đúng hơn là một con sâu đang gặm nhấm từ bên trong. Như Mark Twain từng viết “Sự cô đơn tệ nhất chính là không thoải mái với bản thân bạn.” Bản thân là nơi nó bắt đầu.
Giá trị bản thân (self-worth) thấp là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra cô đơn. Khi một người đánh giá thấp giá trị bản thân họ cùng tính cách, quan điểm và những mục tiêu của họ, thì họ càng khó thiết lập và duy trì các mối quan hệ. Họ không xem bản thân mình là người có giá trị, và vì thế nỗ lực trở nên vô nghĩa. Họ bắt đầu xem người khác theo cách tiêu cực sai lầm, họ giả định rằng mọi người hẳn là đang đánh giá thấp bản thân họ giống như họ. Điều này tạo thành một cái vòng tròn khó mà thoát ra được — lòng tự trọng thấp dẫn đến sự cô lập, và càng cô lập thì càng khiến lòng tự trọng của bạn thấp hơn. Khả năng cao nhất là điều này dẫn đến một cuộc đời khốn khổ, và sự cô lập với những người thân yêu. Trong tình huống tồi tệ nhất thì vòng tròn này kết thúc trong trầm cảm, và thậm chí cái chết dưới dạng thức tự tử.
Con người có một nhu cầu tâm lý tự nhiên là được thuộc về. Khi chúng ta còn bé, việc thoả mãn nhu cầu này rất đơn giản, miễn là họ (bố mẹ) không giữ lại tình yêu và tình cảm với chúng ta. Thời gian bố mẹ dành để đọc truyện cho ta hay chỉ đơn giản lắng nghe ta thật là hoàn hảo. Nhưng khi chúng ta lớn lên, nền văn hoá của chúng ta bắt đầu cho ta thấy những thứ được xem là hoàn hảo. Chúng ta dừng lắng nghe con tim mình, và bắt đầu nghe theo những tiếng nói ngoài kia bảo rằng ta không đủ, ta không đủ đẹp, hay không đủ thông minh, thành công và đủ các mối quan hệ xã hội. Chúng ta tin vào những ảnh hưởng bên ngoài đó và hình thành một tiêu chuẩn cao bất khả thi mà ta có thể không đời nào đạt được.
Truyền thông xã hội đã tạo nên sức tác động văn hoá này lên giá trị bản thân đặc biệt kinh khủng, giống như ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua kính lúp. Khi thiên hạ đăng tải cuộc sống của họ lên mạng thì họ không phải đang chia sẻ cuộc sống bình thường hằng ngày. Mà họ đang phô bày sự phi thường, tạo ra một hình ảnh sai lầm về một cuộc đời hoàn hảo. Và khi chúng ta so sánh cuộc sống hằng ngày bình thường của mình với cuộc đời phi thường của họ, điểm yếu của ta với sức mạnh của họ, thì ta bắt đầu khinh miệt những yếu điểm của mình. Lòng tự trọng của ta tụt xuống, và tự ngược đãi bản thân (self-abuse) xảy ra, bằng nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như ý nghĩ tiêu cực, ăn uống quá mức, làm hại bản thân và cố tình làm giảm những cơ hội để có cuộc sống tốt hơn. Đến lượt nó lại khiến ta khốn khổ.
Thật không may là, sự bất hạnh có tính gây nghiện. Bất hạnh làm ta đặc biệt, làm ta nhận được cảm thông. Đột nhiên ta có được sự chú ý từ mọi người mà ta hằng khao khát. Vì vậy ta chìm sâu hơn vào đau khổ, vào những hành vi tự hại mình để thu hút được những tiếng khóc thương cảm “Ôi, tội nghiệp bạn quá.” Nhưng chúng ta vẫn không toại nguyện.
Chúng ta bắt đầu từ bỏ phẩm giá và giá trị của mình. Chúng ta thường tìm kiếm tình yêu để lấp đầy khoảng trống do sự thiếu giá trị bản thân để lại, liên tục bước vào những mối quan hệ và thấy mình bối rối trước thực tế rằng ta không cảm thấy hạnh phúc hơn, và sau đó thậm chí thấy mình còn đau khổ nhiều hơn. Hay chúng ta tìm đến bạn bè, nghiện sự chú ý của họ kinh khủng, nhưng không bao giờ làm ta thoả mãn được. Câu trả lời cho sự cô đơn không nằm ở việc tìm kiếm tình yêu bên ngoài dưới dạng thức của người bạn đời hoàn hảo, hay người bạn thân phù hợp với bạn. Câu trả lời là khả năng yêu thương bản thân (self-love).
Mọi người sẽ khuyên bạn rằng hãy yêu thương chính mình, nhưng, chính xác thì làm thế nào bạn yêu mình được, đặc biệt khi bao năm qua bạn luôn chán ghét bản thân mình? Điều đó không dễ dàng, nhưng có một câu trả lời.
Bạn kiểm soát được những kỳ vọng của mình. Nguyên nhân lớn nhất khiến mối quan hệ đổ vỡ là do những kỳ vọng không đạt được. Một bên đặt ra những kỳ vọng quá cao, và nó gây ra sự thất vọng và vỡ mộng. Và trong khi sự đổ vỡ một mối quan hệ là đủ tệ, thì sự đổ vỡ mối quan hệ với chính mình còn tệ hơn thế nữa, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh khác của đời bạn.
Nhiều người sẽ khuyên bạn hãy dừng cố gắng trở nên hoàn hảo, nhưng một lần nữa điều này có ích chi? Bạn có lẽ đã biết trạng thái hoàn hảo là không thể đạt được. Điều đó chẳng có gì mới. Vẫn đề thực sự nằm ở sự SO SÁNH – hơn là mong ước trở nên hoàn hảo, chúng ta muốn đáp ứng những kỳ vọng của mọi người xung quanh ta, những kỳ vọng mà chúng ta thường kéo ra từ đám mây văn hoá khổng lồ. Và vì chúng ta cố gắng áp dụng một tiêu chuẩn phổ quát cho một cá nhân đơn nhất, điều này thường gây ra thất bại.
Vậy nên hãy dừng lại đi. Dừng so sánh bản thân với người khác, vì bạn biết sao không? Không ai có thể làm những gì bạn làm. Cũng không ai có được những trải nghiệm, ký ức và kỹ năng của bạn. Chỉ khi nào bạn chấp nhận được cái tôi đích thực của mình thì giá trị bản thân của bạn sẽ nảy sinh, và khi đó cảm giác cô đơn sẽ biến mất.
Chìa khoá để chấp nhận bản thân bạn nằm ở việc dám thách thức những chuẩn tắc của văn hoá (cultural norms) và những lối sống “chấp nhận được.” Ví dụ, trong văn hoá Mĩ, sống cuộc đời cực kỳ đơn giản là không phổ biến. Nhưng điều gì xảy ra nếu thứ bạn muốn chỉ là một cuộc sống đơn giản? Điều gì xảy ra nếu bạn chẳng hề quan tâm đến việc trở thành một giám đốc điều hành hay trang điểm, hay sở hữu một ngôi nhà siêu to hay một ngày đăng lên facebook 50 lần? Nếu những thứ đó không phải là một phần con người bạn, thì bạn sẽ không theo đuổi chúng toàn tâm toàn ý, và tất nhiên ngoài kia sẽ có người làm tốt hơn bạn. Đó là đam mê của họ.
Nhưng đam mê của người khác không nhất thiết cũng là của bạn. Hãy hỏi những câu hỏi quan trọng sau – cách sống tốt nhất theo bạn là gì? Ai tạo ra luật lệ? Tại sao tôi phải quan tâm? Đừng xem những câu hỏi đó như sự hùng biện. Hãy viết ra những câu trả lời hoặc viết nhật ký về chúng – làm bất kì điều gì buộc bạn phải thực sự đương đầu với chúng. Hãy thách thức sự tuân theo (chuẩn mực xã hội) của bạn, vì chính nỗ lực tuân theo đang tấn công lòng tự trọng của bạn.
Một khi bạn tìm ra những câu trả lời cho những câu hỏi đó thì bạn sẽ tiến gần hơn rất nhiều trong chuyện hiểu Mình. Và hiểu Mình chính là yêu Mình. Và chỉ khi mối quan hệ với chính mình thành công thì bạn sẽ tìm thấy sự giải thoát thực sự khỏi cô đơn.
Tác giả: Wesley Baines
Nguồn: http://www.beliefnet.com/…/how-self-worth-keeps-us-from…