5 điều bạn đánh giá người khác tiết lộ về chính bản thân bạn

Có một câu nói nổi tiếng như sau: “Chúng ta nhìn sự việc theo quan điểm riêng của mình chứ không theo đúng bản chất của nó.” Nghiên cứu tâm lý học đã chứng minh được câu nói trên, đặc biệt là trong đánh giá xã hội.

Chúng ta đánh giá người khác không chỉ dựa vào năng lực, đặc điểm khách quan của họ mà còn dựa trên quan điểm chủ quan của chúng ta, được hình thành qua kinh nghiệm sống, mục tiêu, giá trị cũng như những mong ước và nỗi sợ thầm kín của chúng ta. Điều chúng ta khen chê về người khác nhiều nhất không chỉ phản ánh con người họ mà còn phản ánh chính chúng ta, đôi khi theo những hướng khiến bạn kinh ngạc.

Nghiên cứu đã tìm ra năm điều dưới đây là lời lý giải cho mối liên hệ giữa đánh giá xã hội với từng bản thân cá nhân.

Nếu bạn có xu hướng nhìn người qua lăng kính “màu hồng”

Bạn là một người cực kỳ dễ chịu, một đặc điểm tính cách tạo nên bởi sự ấm áp, tử tế và biết thông cảm. Có lẽ không lấy gì làm ngạc nhiên, người dễ chịu thường nhìn người với cái nhìn tích cực, tập trung vào những điểm tốt và tin tưởng người khác mà không cần bằng chứng.

Nhưng gần đây các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm điều mà họ gọi là “bí ẩn Pollyanna” (Pollyanna là tên nhân vật với tính cách cực kỳ lạc quan và tích cực), để xem liệu khả năng xét đoán của người thuộc tuýp dễ chịu có bị lu mờ bởi cái nhìn quá tích cực hay không. Thật ra, họ không hề có vấn đề gì trong việc nhận biết hành vi sai trái, đặc biệt khi chúng gây ảnh hưởng đến tập thể, như tính ích kỷ hay thờ ơ. Chỉ là họ không thể hiện ra mà thôi.

Luôn cố gắng nhìn vào mặt tốt của mọi người là điều mang lại nhiều lợi ích. Đó có thể là một lý do lý giải vì sao người dễ chịu thường cảm thấy hạnh phúc trong các mối quan hệ và hài lòng với cuộc sống. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo bên cạnh những điểm tốt, cũng có những mặt trái ngược, ví dụ như họ không muốn lên tiếng phản ánh những hành xử không tốt vì sợ gây tổn hại đến người khác, hoặc cảm thấy căng thẳng vì phải kiềm chế, không bộc lộ nhiều cảm xúc và suy nghĩ trong sâu thẳm.

Nếu bạn thuộc tuýp người này, bạn nên hiểu, lòng tốt thật sự đôi khi đòi hỏi bạn phải thể hiện một cách thẳng thắn và bộc trực, để cuối cùng mang lại kết quả tốt đẹp hơn cho người khác và cho chính bạn.

Nếu bạn đánh giá người khác qua một hành vi đơn lẻ

Nhiều khả năng bạn là người có tính độc lập cao, đặc biệt là sự tự chủ và động lực nội tại mạnh.

Ngược lại, những người không thể hiện tính cách riêng của mình qua cách ứng xử thường là người có tính tương phụ (interdependent), họ xem trọng yếu tố vai trò và bối cảnh xã hội.

Trong một nghiên cứu chứng minh đặc điểm khác biệt này, người tham gia sẽ được xem một số biểu hiện và hành vi (ví dụ: xem một người hay kiểm tra chuông báo cháy mỗi đêm). Người tham gia nào có tính độc lập thường nhanh nhạy hơn so với người thuộc nhóm tính cách tương phụ trong việc chọn từ mô tả tương ứng với tính cách (ví dụ như “thận trọng” hoặc “tâm lý bất ổn”). Nhóm nghiên cứu kỳ vọng rằng nhóm người tương phụ sẽ có xu hướng diễn giải hành vi dựa vào hoàn cảnh hơn. Ví dụ, có thể họ sẽ nghĩ người kiểm tra chuông báo cháy hàng đêm làm vậy là vì khu vực đó có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn cao chứ hoàn toàn không phải do tính hay lo của họ.

Các nhà nghiên cứu còn thấy rằng kiểu người độc lập thường phổ biến ở các nước phương Tây, còn kiểu người tương phụ phổ biến ở văn hóa phương Đông, nhưng tất nhiên cũng có nhiều mức độ đa dạng tồn tại trong cùng một nền văn hóa bởi ảnh hưởng của các yếu tố khác như địa vị xã hội, địa lý, tôn giáo, cũng như sự khác biệt giữa mỗi cá thể.
Hơn nữa, cũng có nhiều người mang tính trung lập, nghĩa là họ đánh giá hành vi của người khác dựa trên tính cách và cả hoàn cảnh. Không có cách nhìn nhận nào có giá trị hơn cách nhìn nhận nào, nhưng khi chúng ta quá tập trung hướng theo một lối suy nghĩ nhất định, có thể chúng ta đã bỏ lỡ những dấu hiệu hữu ích giúp ta nhìn nhận đúng vấn đề.

Nếu bạn phê phán người có cách sống khác bạn

Điều đó có thể thấy bạn chưa hài lòng về cách sống của chính mình.

Chúng ta ai cũng muốn tự hào về mình trong hiện tại. Khi thấy ai đó có lối sống hoàn toàn khác chúng ta nhưng họ vẫn rất hạnh phúc, điều này tạo nên cảm giác không mấy dễ chịu gọi là bất hòa nhận thức. Một trong những cách não bộ xử lý mối bất hòa này là thông qua quá trình chuẩn hóa lý tưởng, nghĩa là bạn tự cho lối sống của mình là lý tưởng và người khác cũng sẽ hạnh phúc nếu sống như bạn, và có cái nhìn không thiện cảm với những ai không theo quy chuẩn mẫu đó của bạn.

Một nghiên cứu cho thấy người ta có xu hướng lý tưởng hóa các mối quan hệ của họ, đặc biệt là khi họ cho rằng mối quan hệ của mình là lâu bền (ví dụ, một mối quan hệ thân thiết dài hạn). Theo họ, chí ít thì những người có mối quan hệ bền lâu là những người có giá trị hơn trong xã hội, có cuộc sống ý nghĩa và trọn vẹn hơn.

Các nhà nghiên cứu còn tìm ra rằng chuẩn hóa lý tưởng có thể gây ảnh hưởng đến hành vi của con người. Khi các cặp đôi tham gia thí nghiệm tình cờ xem thông tin về các ứng viên giả định cho vị trí thị trưởng, ứng viên là người độc thân hoặc đang có một mối quan hệ nghiêm túc (thông tin của hai loại ứng viên này là hai bản khác nhau, bao gồm cả những điểm mạnh và điểm yếu của họ), cặp đôi tham gia thí nghiệm thường có khuynh hướng bình chọn cho ứng viên đang có mối quan hệ nghiêm túc.

Những người độc thân tham gia thí nghiệm cũng cho thấy các bằng chứng về chuẩn hóa lý tưởng, nhưng các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng trạng thái “có đôi có cặp” được xã hội cho là lý tưởng nên những ai độc thân thường sẽ bị phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó, bất hòa nhận thức còn gây ảnh hưởng đến đánh giá xã hội trên nhiều phương diện khác nhau, như tình trạng con cái, lựa chọn nghề nghiệp và chế độ ăn kiêng.

Không có gì là sai trái khi tự hào về cuộc sống của mình, nhưng nếu điều đó khiến ta có cái nhìn không hay về người khác, thì có nghĩa là chúng ta đang không hoàn toàn thành thật với bản thân. Thông thường đơn giản là vì chúng ta thấy khó chấp nhận rằng cuộc sống này lúc nào cũng có sự đánh đổi (đó là điều không thể tránh khỏi), và sẽ có lúc này lúc khác, một khi hiểu và chấp nhận, cuộc sống mới trở nên dễ dàng hơn, mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình con đường riêng mà họ cho là tốt nhất với họ. Còn nếu chúng ta lý tưởng hóa một cách thái quá, điều đó cho thấy chúng ta thật sự không hạnh phúc, và chúng ta cần phải để tâm chú ý hơn về vấn đề này, ví dụ lối suy nghĩ này có thể phát sinh khi người đó mắc kẹt trong một mối quan hệ không lành mạnh.

Trên đây chỉ là 5 trong số nhiều cách đánh giá xã hội được hình thành bởi đặc điểm tính cách cá nhân. Hiểu rõ về mối quan hệ này không chỉ giúp ta tự nhận thức tốt hơn mà còn giúp ta phát hiện ra những định kiến tiềm ẩn và điều chỉnh cách nhìn nhận cho phù hợp. Chúng ta có quyền đặt vấn đề khi một người có cách hành xử không phù hợp, nhưng nếu bạn thuộc tuýp người dễ tính, bạn cũng nên tự đặt câu hỏi cho mình khi có những dấu hiệu đáng phải lưu tâm.

Theo Juliana Breines