Khủng hoảng bản sắc (identity crisis) — Điều tất yếu để trưởng thành

Nó giúp bạn lựa chọn con đường của mình thay vì dựa trên những tiêu chuẩn và định hướng của ai khác.

“Khủng hoảng bản sắc”, hay còn gọi là “khủng hoảng căn tính” (identity crisis), một trạng thái khi ta không hiểu rõ bản thân – điểm mạnh, điểm yếu, tính cách,… – tất cả những gì tạo nên chính ta. Chúng ta có thể trải qua khủng hoảng bản sắc cá nhân ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời.

Tuy nhiên, trạng thái này thường gặp nhất ở độ tuổi dậy thì cho đến khi bước vào giai đoạn trưởng thành của những năm 20, 30 tuổi. Đây là lứa tuổi chuyển giao giữa trẻ con và người lớn, khi chúng ta trải qua những thay đổi liên tục về cơ thể, hormones, cảm xúc và khả năng nhận thức. Lần đầu tiên trong đời, chúng ta suy tư về sự nghiệp, vai trò của mình trong xã hội, và đôi khi là cả bản sắc giới.

Khủng hoảng bản sắc không đáng sợ

Nghe đến từ “khủng hoảng”, có thể nhiều người cảm thấy giai đoạn này thật đáng sợ, nhưng thực chất nó lại giúp chúng ta định hình tính cách và khám phá bản thân mình sâu sắc hơn.

Giai đoạn này giúp bạn lựa chọn con đường của mình thay vì dựa trên những tiêu chuẩn và định hướng của ai khác.

Khái niệm này đến từ nhà tâm lý học phát triển Erik Erikson. Ông đưa ra học thuyết cho rằng có 8 giai đoạn phát triển tâm lý trong cuộc đời, mỗi giai đoạn sẽ xuất hiện sự khủng hoảng, đòi hỏi chúng ta vượt qua một cách lành mạnh để phát triển nhân cách của mình. “Khủng hoảng bản sắc cá nhân” là giai đoạn thứ 5, thường gặp ở khoảng 12 đến 18 tuổi.

Theo Erikson, có nhiều lợi ích trong việc khám phá bản sắc cá nhân trong những năm tháng thiếu niên. Chỉ khi nghiêm túc suy nghĩ về những mâu thuẫn bên trong mình và tìm cách giải quyết chúng, con đường lúc trưởng thành của bạn mới là con đường bạn tự mình lựa chọn, thay vì dựa trên những tiêu chuẩn và định hướng của ai khác.

Không phải ai cũng trải qua khủng hoảng bản sắc cá nhân

Các nhà tâm lý học đã mở rộng học thuyết của Erikson, trong đó có James Marcia, với mô hình 4 trạng thái của bản sắc cá nhân (4 identity statuses). Một người có thể trải nghiệm cả 4 trạng thái của bản sắc cá nhân, hoặc chỉ luôn ở trong một trạng thái cho đến cuối đời.

Mô hình 4 trạng thái của bản sắc cá nhân.

Trong mô hình này, các trạng thái được xây dựng trên 2 trục Cam kết và Khám phá. Những người có mức độ cam kết cao biết rõ mình là ai và có niềm tin mạnh mẽ vào lựa chọn của mình. Ngược lại, những người có mức độ cam kết thấp là những người không chắc chắn về chính mình.

Tương tự, trục Khám phá cho biết mức độ chủ động trong việc đặt câu hỏi về bản thân, đi sâu vào nội tâm và tự đưa ra các lựa chọn của người đó.

1. Identity diffusion – Căn tính mờ nhạt

Sự cam kết và khám phá của trạng thái này đều ở mức thấp. Những người trong trạng thái này không có khái niệm rõ ràng về cái tôi cá nhân, vai trò của mình trong xã hội, và cũng không chủ động khám phá các lựa chọn cho mình. 

Theo Marcia, họ ít có cảm giác lo âu bởi họ không mấy đầu tư vào điều gì. Họ phản ứng thụ động với các sự kiện xảy ra trong cuộc sống theo kiểu “tới đâu hay tới đó”. Tính cách, mục tiêu và các khía cạnh khác của con người họ rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.

2. Identity foreclosure – Căn tính nhận sẵn

Có những người hoàn toàn không trải qua khủng hoảng bản sắc cá nhân, đó là trạng thái này. Những người này có thể cam kết với một vai trò, giá trị hay mục tiêu nào đó – đôi khi được xây dựng từ các hình mẫu có sẵn – mà không cần tự khám phá.

Chẳng hạn, một cô gái được dạy rằng phụ nữ không cần quan trọng sự nghiệp, chỉ cần ổn định gia đình, chăm sóc con cái là được. Sau khi lấy chồng, cô quyết định nghỉ việc và ở nhà làm nội trợ giống mẹ mình, cô coi đây là lựa chọn hiển nhiên mà không suy xét đến các khả năng khác. 

James Marcia cũng nhấn mạnh rằng một khi những người ở trạng thái “foreclosure” đã bắt đầu trải nghiệm khủng hoảng bản sắc cá nhân thì việc quay trở lại trạng thái này là điều không thể. Tựa như bạn đã mở tấm vải bịt mắt ra, thì dù có thích thứ mình nhìn thấy hay không, bạn cũng không thể quên nó được.

3. Identity moratorium – Căn tính đình hoãn

Người ở trong trạng thái này có mức độ khám phá cao nhưng cam kết thấp. Đây là trạng thái của rất nhiều người trẻ tuổi khi liên tục thử nghiệm với các giá trị, niềm tin và mục tiêu khác nhau, nhưng chưa gắn bó với điều gì cụ thể. Nhiều người bị đánh giá là “lông bông” vì chưa đạt được sự ổn định mà xã hội trông đợi khi đến độ tuổi nhất định. 

Tuy nhiên, sự đình hoãn này đôi khi cần thiết để một người khám phá đủ sâu sắc về bản thân, trước khi quyết định đâu mới là kim chỉ nam dẫn lối cho cuộc đời mình.

4. Identity achievement – Căn tính đạt thành

Đây là trạng thái lý tưởng nhất với mức độ cam kết và khám phá đều cao. Người đạt được trạng thái này đã biết giá trị, niềm tin nào quan trọng nhất với mình, và xác định được mục tiêu phù hợp với những giá trị ấy. Thành quả này có được nhờ một quá trình chủ động khám phá bản thân và trải nghiệm nhiều lựa chọn khác nhau. 

Đối diện với khủng hoảng bản sắc cá nhân

Bước đầu tiên là chấp nhận sự tồn tại của nó. Một khi coi nó là phần tất yếu của trưởng thành, chúng ta mới có thể thẳng thắn và bao dung cho cái tôi dễ tổn thương của mình. 

Tiếp đến, hãy hiểu rằng bạn không cần thiết phải định nghĩa chính mình bằng một cái khung cố định nào cả. Bạn có thể liên tục tìm hiểu bản thân mình suốt cuộc đời và nhận thấy mình vẫn luôn thay đổi. Điều đó chẳng nói lên sự bất ổn nào về bạn.

Bước đầu tiên để đối diện với khủng hoảng bản sắc là chấp nhận sự tồn tại của nó.

Cuối cùng, câu trả lời cho việc vượt qua khủng hoảng chỉ có thể tìm thấy bên trong chính bạn. 

Quan sát cách bạn sử dụng thời gian rảnh

Khi được hỏi về sở thích, chúng ta thường nêu những thứ chung chung như xem phim, đọc sách, nghe nhạc,…, nhưng điều khiến chúng ta khác nhau là những thứ cụ thể hơn thế. 

Nếu bạn thích đọc sách, cuốn sách yêu thích của bạn là gì? Hình mẫu nhân vật nào trong phim ảnh thường truyền cảm hứng cho bạn? Thần tượng của bạn là ai và tại sao bạn lại yêu mến họ? 

Chúng ta có thể biết về mình rất nhiều qua những thứ mà tưởng chừng ta làm chỉ để “giết thời gian”. Trong đó ẩn chứa cái tôi bị kìm nén của bạn, con người mà bạn thật sự muốn trở thành, và đôi khi là cả ước mơ mà bạn nghĩ mình đã từ bỏ nữa. 

Quan sát những mối quan hệ của bạn 

Cụ thể là những người cho bạn cảm giác tin tưởng, được là chính mình khi ở bên họ, và cả những người thường xuyên phán xét, khiến bạn thấy tiêu cực. Cách tương tác của bạn với họ, cảm xúc của bạn khi ở bên họ có thể cho bạn biết những kiểu tính cách tương đồng với bạn, những giá trị, niềm tin mà bạn chấp nhận. 

Đôi khi chúng ta sẽ có những “điểm mù” nhất định khi đánh giá bản thân, việc nhìn lại các mối quan hệ bạn bè có thể giúp ta hiểu rõ mình hơn.

Quan sát các cộng đồng của bạn 

Mỗi chúng ta đều thuộc về những cộng đồng nào đó, có thể là gia đình, trường lớp, nơi làm việc, câu lạc bộ, hoặc thậm chí là một cộng đồng trên mạng xã hội, một cộng đồng fan hâm mộ,… 

Bạn mang dáng vẻ ra sao khi ở trong mỗi cộng đồng như thế? Đâu là nơi khiến bạn có cảm giác thoải mái, được là chính mình nhất? Ngược lại, đâu là nơi bạn phải đeo lên nhiều lớp mặt nạ nhất để thích nghi? 

Cách bạn hoạt động trong các cộng đồng cho thấy vai trò bạn muốn đóng góp, cũng như nơi mà bạn muốn thuộc về. Nhiều người không đạt được thỏa mãn trong công việc và cuộc sống vì không tìm được cộng đồng phù hợp, nơi họ thấy mình có giá trị, được ghi nhận và được sống đúng với bản thân.

Kết

Có rất nhiều câu hỏi mà bạn phải đặt cho bản thân để tìm kiếm chính mình. Đôi khi bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của người khác. Nhưng cuối cùng, chỉ có bạn mới có thể quyết định mình là ai, và muốn trở thành ai trong đời.

Nguồn: https://vietcetera.com/vn/khung-hoang-ban-sac–dieu-tat-yeu-de-truong-thanh