Định kiến đôi khi đã chiếm lĩnh và điều khiển luôn cả cảm xúc và ý thức của bạn, chúng ta thường cảm thấy không lối thoát khỏi những tình huống tiêu cực, mặc dù cơ hội thay đổi đang hiện diện trước mặt.
Chúng ta thường nhắc tới Ngụ ngôn La Fontain – một thể loại ngụ ngôn bằng thơ, dễ dọc, dễ hiểu. Còn Ngụ ngôn Aesop – của tác giả Aesop lại là thể loại ngụ ngôn thông qua những câu chuyện bằng văn xuôi. Và những câu chuyện ngụ ngôn của ông đã luôn là người bạn đồng hành thân thiết của các độc giả ở mọi lứa tuổi.
Câu chuyện ngụ ngôn “Anh hề và người nông dân” là một ví dụ. Chuyện kể rằng:
Tại một ngôi làng nọ có một nhà quý tộc giàu có. Một hôm, nhà quý tộc xây dựng nên một nhà hát, và trong buổi khai trương, ông để mọi người được vào xem miễn phí. Trên bảng thông báo viết rằng ông ta sẽ thưởng hậu hĩnh cho bất cứ ai mang đến một trò vui nào đó trong dịp này.
Rất đông dân chúng đến tham dự và mong được đóng góp các tiết mục để giành giải, trong số đó có một anh hề rất nổi tiếng. Anh nói rằng, anh ta có một trò chưa bao giờ xuất hiện trên sàn diễn. Tuyên bố này làm mọi người xôn xao, háo hức chờ đợi.
Anh hề xuất hiện một mình trên sàn diễn, không dụng cụ hỗ trợ và cũng không có bạn diễn cùng. Bất thình lình anh cúi gập đầu xuống đến ngực và bắt chước tiếng lợn con kêu ủn ỉn cực kỳ giống đến độ khán giả kêu lên rằng anh chắc chắn giấu con lợn trong áo khoác và cử người lên kiểm tra. Tuy nhiên đúng là chẳng có chú lợn nào và khán giả liên tục reo hò cổ vũ.
Trong đám đông đứng xem, bỗng một anh nông dân lên tiếng: “Trò này tôi còn giỏi hơn ấy chứ” và hứa hẹn ngày mai sẽ trình diễn một màn hay hơn nhiều lần.
Ngày hôm sau, khán giả tiếp tục kéo đến đông hơn cả hôm trước để xem anh nông dân và chú hề tranh tài. Cả hai người xuất hiện trên sàn diễn. Anh hề khụt khịt và ủn ỉn trước, và nhận được, như ngày hôm trước, những tràng pháo tay reo hò tán thưởng.
Tiếp đó, người nông dân bước ra, và giả như đang giấu một con lợn trong áo, anh ta ôm nó trong lòng và nhéo tai để nó kêu. Khán giả lại đồng thanh la lên rằng anh hề làm giống hơn nhiều, và gào lên bảo anh ta xuống. Nghe vậy, anh nông dân liền giở áo ra, cho mọi người thấy trong áo là chú lợn con thật, và rằng tiếng anh tạo ra đúng là tiếng lợn kêu: “Xem đây,” anh ta nói, ” cái này sẽ cho quí vị thấy cái tài đoán xét của quí vị”.
Câu chuyện cho thấy trong cuộc sống, thành kiến đôi khi đã ăn sâu vào tâm trí mọi người. Thành kiến là một não trạng đôi khi đã chiếm lĩnh và điều khiển luôn cả cảm xúc và ý thức của con người.
Trong đời sống hàng ngày bạn không khó khi bắt gặp cảnh, cùng 1 món hàng, cùng 1 chất lượng, thậm chí cùng nhà sản xuất nhưng được bày bán ở những nơi khác nhau và mang giá trị khác nhau.
Cùng 1 đôi giày, cùng kiểu dáng và chất lượng nhưng được những shop có uy tín nhập về bán, lập tức nó sẽ là hàng hiệu, hàng chuẩn chất lượng và có giá rất cao. Cũng đôi giày đó được 1 cửa hàng nhỏ nhập về, nó sẽ có giá trị rất thấp. Và người mua hàng cũng vậy, họ luôn nghĩ rằng hàng được bán trong những shop lớn luôn là hàng đảm bảo chất lượng, tương đương số tiền lớn mình phải bỏ ra.
Người Do Thái đã nắm bắt tâm lý này vào việc kinh doanh rất tốt. Người Do Thái thường dạy rằng, một mặt hàng muốn bán được nhiều, muốn bán đắt hàng thì phải bán giá cao, thì phải cho nó một vị trí trưng bày trang trọng. Nếu bạn giảm giá để mong bán nhiều hàng – bạn đã sai lầm, bởi giảm giá thì chính bạn đã làm giảm đi giá trị chính mặt hàng của mình. “Bán giá rẻ – quên đi – hãy bán giá cao và bán nhiều hàng” chính là một trong những triết lý kinh doanh rất thành công của những người Do Thái.
Có một câu chuyện cười minh họa khá sinh động những định kiến ăn sâu vào tâm trí con người. Chuyện kể rằng có một thanh niên mắc bệnh sợ gà, cứ trông thấy gà là chạy. Hỏi tại sao thì anh ta trả lời: ‘Con gà nó nghĩ tôi là con giun, nên phải chạy ngay không nó mổ chết’.
Gia đình đưa anh ta đến bệnh viện tâm thần để chữa trị. Hàng ngày, ngoài việc uống thuốc, anh phải học thuộc lòng câu: ‘Tôi không phải là giun, nên tôi chẳng việc gì phải sợ gà’.
Sau ba tháng chữa trị, bác sĩ làm bài kiểm tra:
- Anh có phải là giun không?
- Tôi không phải là giun.
- Anh có còn sợ gà không?
- Tôi không phải là giun, nên tôi chẳng việc gì phải sợ gà.
Thấy không còn triệu chứng gì bất thường, bác sĩ cho anh ra viện. Vừa ra tới cổng bênh viện, nhìn thấy một con gà, anh ta vẫn sợ hãi, chạy bán sống bán chết. Mọi người xúm vào hỏi:
- Anh có phải là giun đâu mà sợ gà?
Anh ta trả lời:
- Đúng thế. Nhưng chỉ có mình tôi được học thế, nên chỉ mình tôi biết rằng tôi không phải là giun. Chứ con gà có được học hành gì đâu. Nhỡ nó vẫn tưởng tôi là giun thì sao?.
Nhà tâm lý học Carol Dweck nhận định: “Nhân sinh quan tác động lên cách sống của bạn. Nó sẽ định hình người bạn muốn trở thành và những giá trị bạn đem lại”.
Cách những người huấn luyện voi làm để trói chân những chú voi to lớn cũng vậy. Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng tại sao chỉ bằng những sợi dây thừng nhỏ bé người ta đã có thể giữ chân những chú voi to lớn?
Thực tế, ngay từ khi những chú voi còn nhỏ người ta đã mang những sợi xích sắt rất lớn xích vào chân nó. Chú voi ra sức giãy dụa cũng không thể vùng thoát khỏi sợi xích. Chú voi ngày một lớn và sợi xích cũng to dần lên để giữ được sức mạnh của chú. Thế nhưng không lâu sau đó người ta dần thay thế những sợi xích bằng sợi nhỏ hơn, và dần dần chỉ cần những sợi dây thừng nhỏ cũng đủ giữ chân những chú voi dũng mãnh.
Tại sao ư? bởi ngay từ nhỏ chú voi đã cố hết sức để thoát khỏi sợi dây thừng nhưng mọi nỗ lực đều bất thành. Và tâm lý, định kiến đó đã ăn sâu vào trong chú, đến nỗi chúng cho rằng dù cố mấy cũng không thể thoát được khỏi những sợi xích dưới chân. Ngay cả khi những sợi xích được thay bằng những sợi dây thừng nhỏ bé thì chính định kiến trong đầu đã khiến chú không hề muốn thử vùng thoát lần nữa.
Đây cũng là lời giải thích cho việc chúng ta thường cảm thấy không lối thoát khỏi những tình huống tiêu cực, mặc dù cơ hội thay đổi đang hiện diện trước mặt. Những thành kiến yếu đuối luôn được định hình bằng những kinh nghiệm, sự kiện và trí nhớ.
Giống như những chú chó trong thí nghiệm của Seligman hay những chú voi, chúng ta thường không thể thoát khỏi các tình huống tiêu cực bởi vì chính quá khứ đã dạy chúng ta không thể làm gì khác để thay đổi cách chúng ta sống.
Để giảm bớt tác hại của định kiến, chúng ta phải hết sức cảnh giác với những kinh nghiệm của chính mình, đồng thời phải nhận thức được sự vận động liên tục của vạn vật: cái gì cũng có thể tốt lên hoặc xấu đi. Người xưa có câu: ba ngày không gặp nhau, gặp lại sẽ là người khác.
Do vậy ngay ngày mai bạn hãy thử bắt đầu một ngày mới không định kiến.