Có lẽ đối với phần đông thành viên trong nhóm, hầu hết đều đã có kiến thức và hiểu biết về AI cũng như cách thức hoạt động của nó. Tuy nhiên, theo thời gian, số lượng thành viên mới gia nhập nhóm ngày càng tăng, đặc biệt là những bạn chưa có nhiều hiểu biết về AI. Vì vậy, bài viết này được viết như một sổ tay hướng dẫn dành cho người mới bắt đầu, nhằm cung cấp định hướng và giúp các bạn có thể tự học tập và ứng dụng AI một cách độc lập.
Mình là một người theo hướng tự học, tự tìm tòi và nghiên cứu, đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng thực tế của AI hơn là đi sâu vào các kỹ thuật chuyên môn của AI. Vì vậy, mình mong rằng bài viết này sẽ giúp ích phần nào cho những bạn có cùng thiên hướng, giúp các bạn tự tìm ra con đường phát triển kỹ năng AI cho bản thân.
AI LÀ GÌ?
Hiện nay, AI (Trí tuệ nhân tạo) đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, cách nhìn về AI của mọi người rất đa dạng, từ nhiều góc độ khác nhau, do đó thái độ của mỗi người cũng khác nhau rất nhiều. Có người thì hứng khởi, có người thì lo lắng nhưng cũng có người coi thường, xem nhẹ. Vì vậy để có cái nhìn một cách khách quan hơn, chúng ta cần phải đi từ định nghĩa trước.
AI (Artificial Intelligence – Trí tuệ nhân tạo) là một lĩnh vực khoa học máy tính tập trung vào việc phát triển các hệ thống và phần mềm có khả năng thực hiện các nhiệm vụ yêu cầu trí tuệ con người, chẳng hạn như học hỏi, suy luận, nhận dạng hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và ra quyết định. AI có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tự động hóa, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác để tăng cường hiệu quả và năng suất công việc.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI)
Giai Đoạn Khởi Đầu (1950s – 1970s)
Trí tuệ nhân tạo (AI) được khởi nguồn từ những năm 1950s, khi nhà toán học Alan Turing đưa ra khái niệm về một cỗ máy có khả năng mô phỏng trí thông minh của con người. Năm 1956, thuật ngữ “Artificial Intelligence” lần đầu tiên được sử dụng tại Hội nghị Dartmouth, đánh dấu sự ra đời chính thức của lĩnh vực nghiên cứu này. Trong những năm tiếp theo, các nhà khoa học đã phát triển nhiều thuật toán cơ bản và xây dựng các chương trình máy tính có khả năng chơi cờ và giải các bài toán logic.
Giai Đoạn Phát Triển Ban Đầu (1980s – 1990s)
Trong thập niên 1980s, AI bắt đầu có những bước tiến mới với sự xuất hiện của các hệ chuyên gia (expert systems) – các chương trình có khả năng giải quyết các vấn đề trong các lĩnh vực cụ thể bằng cách áp dụng các quy tắc và kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, sự kỳ vọng quá cao và những hạn chế về công nghệ đã dẫn đến giai đoạn “mùa đông AI”, khi sự quan tâm và đầu tư vào AI giảm sút.
Sự Bùng Nổ và Hồi Sinh (2000s – nay)
Đến đầu thập niên 2000s, AI đã trải qua một cuộc hồi sinh mạnh mẽ nhờ vào sự phát triển của công nghệ máy học (machine learning) và các mạng nơ-ron sâu (deep neural networks). Những tiến bộ trong khả năng xử lý dữ liệu và sức mạnh tính toán đã mở ra nhiều ứng dụng mới cho AI, từ nhận dạng giọng nói, hình ảnh đến dịch thuật tự động và xe tự lái.
Thực tế có thể thấy thì AI đã có từ lâu rồi, được tích hợp sẵn trong các công cụ chúng ta vẫn dùng hằng ngày như google map, search… Tuy nhiên từ khi chatGPT ra mắt năm 2022, phần đông mọi người mới bắt đầu chú ý đến AI và một thuật ngữ đặc biệt được nhiều người chú ý đó là GENERATIVE AI.
AI TẠO SINH (GENERATIVE AI)
Một trong những bước tiến quan trọng nhất trong lịch sử AI gần đây là sự xuất hiện của AI tạo sinh (generative AI). Đây là các hệ thống AI có khả năng tạo ra nội dung mới, bao gồm văn bản, hình ảnh, âm nhạc và thậm chí là mã nguồn. Những mô hình như GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI đã thể hiện khả năng viết văn bản tự nhiên và tạo ra nội dung phức tạp gần giống như con người.
Ở thời điểm mình viết bài này, mình đang sử dụng ChatGPT cũng như nhiều AI tương tự khác vào công việc xử lý các nội dung văn bản như : tóm tắt tài liệu, viết lại nội dung, tìm hiểu thông tin….
Nói chung là càng dùng nhiều thì càng quen dần, mức độ ứng dụng vào công việc càng cao hơn. Như lúc mới bắt đầu thì chỉ áp dụng đc tầm 10%, nhưng nay đã nâng lên tầm 50%…
Cũng xin lưu ý là mình làm trong ngành tư vấn kĩ thuật xây dựng, nên thời điểm hiện tại AI vẫn chưa thể xâm nhập sâu vào việc vẽ thiết kế chính xác. Nhưng có lẽ nó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
AI CÓ LÀM BẠN MẤT VIỆC?
Đây có lẽ là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất. Tuy nhiên vì AI đang phát triển rất nhanh, nên mỗi một thời điểm, mỗi một công việc thì nhận định của mỗi người sẽ là khác nhau. Với những ngành về xử lý văn bản nhiều như SEO, marketing… thì sẽ thấy rất rõ ảnh hưởng và nghĩ là AI đang làm bạn mất việc. Nhưng đối với các ngành kĩ thuật chính xác (xây dựng, y học, chuẩn đoán…) thì ảnh hưởng rất nhỏ nên mọi người nghĩ là sẽ không thể thay thế được… Nên không ít người nghĩ AI chỉ làm bạn mất việc ở một số ngành chứ không phải mọi thứ.
NHƯNG thực tế là AI không làm bạn mất việc, nhưng người biết sử dụng AI thì sẽ cướp mất việc của những người không biết sử dụng. Thậm chí sắp tới, AI sẽ làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu ngành nghề làm việc sắp tới. Sẽ có những ngành nghề biến mất, nhưng cũng sinh ra những ngành nghề mới. Bản chất nhiệm vụ có thể là giữ nguyên, nhưng mà cách thức làm việc của nhiệm vụ đó sẽ thay đổi hoàn toàn. Chỉ ví dụ như trước kia làm xây dựng thì phải vẽ tay trên giấy, tính toán bằng tay… nhưng ở thời điểm hiện tại thì ai cũng vẽ bằng máy tính, tính toán bằng phần mềm cả. Thậm chí nếu bạn không biết vẽ trên máy tính thì chắc chắn chả ai tuyển bạn cả.
LÀM GÌ TRONG THỜI ĐẠI AI TỚI ĐÂY?
AI biến chuyển tuy rất nhanh nhưng cũng không cần phải lo lắng, quan trọng nhất là ở tâm thế đón nhận của bạn. Dưới đây là vài điểm các bạn cần làm để tồn tại và phát triển trong thời đại AI sắp tới.
- Học tập liên tục. Học là chuyện cả đời, con người có phát triển được đó là nhờ quá trình tiếp thu và xử lý thông tin. Việc học tập chính là hệ thống hóa quá trình đó. Do đó trong thời kì phát triển cực kì nhanh của dữ liệu, việc học tập liên tục để cập nhật thông tin mới là điều cực kì quan trọng, nhất là học tập các kiến thức về AI. Đặc biệt cần phải thực hành liên tục để những kĩ năng sử dụng AI một cách thuần thục.
- Thay đổi tư duy. Ở đây chính là tư duy AI First, ưu tiên việc sử dụng AI vào xử lý vấn đề thay vì các quy trình có sẵn. Tất nhiên ở thời điểm hiện tại, có thể có những vấn đề xử lý được hoàn toàn, hoặc một phần nhỏ, có thể nhanh hơn những cũng có thể chậm hơn, nhưng đó cũng chỉ là câu chuyện vấn đề thời gian trước khi AI phát triển mạnh mẽ ở xử lý vấn đề đó. Việc có một tư duy như trên sẽ khiến bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về câu chuyện AI hiện nay.
- Chia sẻ kiến thức. Việc chia sẻ kiến thức cho những người khác sẽ giúp bạn nhận những phản hồi, từ đó phát hiện ra lỗ hổng kiến thức bản thân và hoàn thiện thêm trí tuệ, tri thức của bản thân.
- Đừng phụ thuộc, có kiếm soát. Khi tương lai AI càng ngày càng hoàn thiện và tốt hơn, chuyện phụ thuộc vào AI có lẽ là điều chắc chắn. Tuy nhiên bạn cần có tư duy không nên phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả mà AI đưa ra. AI không chịu trách nhiệm cho sản phẩm tạo mà mà chính là bạn, người quyết định nội dung cuối. Đây cũng chính là điểm chính của cho câu trả lời cho câu hỏi “AI có làm bạn mất việc hay không?”. Chừng nào bạn còn là người chịu trách nhiệm trong vấn đề/công việc nào đó, AI sẽ không thể thay thế được bạn.
Kết lại, AI có thể làm bạn mất việc hoặc không. Tuy nhiên thay vì ngồi mà đợi chờ, bạn nên chủ động tìm hiểu, biến nó thể trở thành một trợ thủ đắc lực giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Điều quan trọng là bạn cần có sự chuẩn bị và sẵn sàng thích nghi với những thay đổi do AI mang lại.